Chính quyền trung ương Hành_chính_Việt_Nam_thời_Tây_Sơn

Biến động trong chính quyền

Từ giai đoạn nổi dậy khởi nghĩa năm 1771 tới năm 1786, thủ lĩnh tối cao của chính quyền Tây Sơn là Nguyễn Nhạc. Từ năm 1778, Nguyễn Nhạc chính thức xưng đế (Minh Đức hoàng đế), sử sách ghi nhận một số quan chức trong chính quyền nhưng chưa thành hệ thống.

Từ năm 1786, anh em Tây Sơn xảy ra xung đột và chia đất thành 3 vùng cai quản nhưng về cơ bản vẫn là một chính quyền Tây Sơn với hoàng đế Thái Đức: Nguyễn Nhạc cai quản từ Quảng Ngãi tới Bình Thuận, Nguyễn Lữ cai trị Nam Bộ, Nguyễn Huệ cai trị từ Quảng Nam ra Nghệ An.

Từ năm 1787 Nguyễn Lữ bỏ Gia Định đến năm 1788 chính quyền Tây Sơn mất hẳn Nam Bộ, sau đó chính quyền Nguyễn Nhạc cũng ngày một thu hẹp và suy yếu, chỉ còn là Tây Sơn vương. Người cầm quyền cao nhất của nhà Tây Sơn từ cuối năm 1788Quang Trung và kế tục là Quang Toản.

Tổ chức bộ máy

Quan chế thời Tây Sơn cả văn quan và võ quan không có bộ chính sử nào ghi trọn vẹn, chỉ thấy rải rác trong các sách dã sử và tạp ký[1]

Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng là Minh Đức Hoàng đế, đặt niên hiệu là Thái Đức. Đồng thời, ông cho đổi thành Đồ Bàn làm thành Hoàng Đế và đặt các chức Tổng đốc, Tư khấu, Hộ giá (Cận vệ, Hộ Vệ, Thị Vệ,...)...[1]

Những ghi chép của các tài liệu còn lại về chính quyền Tây Sơn chủ yếu là chính quyền Quang Trung-Nguyễn Huệ.

Trung tâm chính quyền Quang Trung là Phú Xuân (Huế). Các sử gia căn cứ theo các tài liệu trao đổi đương thời giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiếp xác định rằng không phải sau trận Ngọc Hồi-Đống Đa mà ngay từ sau khi được phân quyền cai trị từ Quảng Nam trở ra bắc, Nguyễn Huệ đã hình thành bộ máy nhà nước với các Bộ: Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Hộ,... với các quan chức trong chính quyền[2].

Tiếp thu cơ cấu tổ chức chính quyền thời Lê trung hưng, trong hai năm 1787 và 1788, nhà Tây Sơn cho lập lại hệ thống Lục Bộ (bao gồm Lại Bộ, Lễ Bộ, Hộ Bộ, Binh Bộ, Hình Bộ, Công Bộ) và hệ thống Giám sát (chức Thị trung ngự sử được giao cho Phan Huy Ích và Nguyễn Gia Phan)[1].

Sau khi đánh đuổi quân Thanh, hoàn toàn làm chủ vùng lãnh thổ từ Bắc Bộ tới Quảng Nam, Quang Trung trực tiếp tổ chức lại bộ máy chính quyền. Năm 1789, dựa trên Trung thư sảnh của chế độ Tam sảnh thời Trầnthời Lê sơ[3], nhà Tây Sơn đặt Trung thư phủ, do Trần Văn Kỷ làm Trung thư lệnh[1] (tức quan Thượng thư).

Đặc biệt, nhà Tây Sơn đặt ra tổ chức Triều đường (Trung Thừa), gồm một số đại thần văn quan, võ tướng trọng yếu của triều đình. Triều đường được quyền thay mặt vua giải quyết những vấn đề quan trọng, ra một số văn bản chỉ định và được dùng dấu ấn lớn "Triều đường chi ấn". Mô hình này giống mô hình Đình thần thời Gia Long và Công đồng từ thời Minh Mệnh trở về sau[1].

Triều đường chi ấn của nhà Tây Sơn

Dưới vua là hàng ngũ quần thần bá quan văn võ gồm có:

Nhất phẩm có: Tam công (Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo).

Nhị phẩm có: Tam thiếu (Thiếu Sư, Thiếu Bảo, Thiếu Phó), Đại chủng tể, Đại tư đồ, Đại tư mã, Đại tư không, Đại tư khấu, Đại tư hội, Đại tư lễ, Thái úy, Ngự úy, Đại tổng quản, Đại tổng lý, Đại đô hộ, Đại đô đốc. Trung thư sảnh, Trung thư lệnh, Phụng chính,...

Tam phẩm trở xuống có: Nội hầu, Hộ giá, Kiểm điểm, Chỉ huy sứ, Đô ty, Đô úy, Trung úy, Vệ úy, Quản quân, Tham đốc, Tham lĩnh, Thị trung, Đại học sĩ, Hiệp biện đại học sĩ, Thị trung ngự sử,…[4][5]

Năm 1790, hệ thống Lục bộ được củng cố, triều đình được tổ chức thành 6 Bộ chuyên trách theo chức năng:

  • Bộ Lại: Trông coi việc tuyển bổ, thăng thưởng và thăng quan tước;
  • Bộ Lễ: Trông coi việc đặt và tiến hành các nghi lễ, tiệc yến, học hành thi cử, đúc ấn tín, cắt giữ người coi giữ đình, chùa, miếu mạo;
  • Bộ Hộ: Trông coi công việc ruộng đất, tài chính, hộ khẩu, tô thuế kho tàng, thóc tiền và lương, bổng;
  • Bộ Binh: Trông coi việc binh, đặt quan trấn thủ nơi biên cảnh và ứng phó các việc khẩn cấp;
  • Bộ Hình: Trông coi việc thi hành pháp luật;
  • Bộ Công: Trông coi việc xây dựng, quản đốc thợ thuyền.

Trong các Bộ ngoài Thượng thư đứng đầu còn có Tả đồng nghị, Hữu đồng nghị, Tả phụng nghị, Hữu phụng nghị, Thị lang, Tư vụ… Sau này, vua Cảnh Thịnh cho đặt thêm Đô sát viện do Đô sát thự Đô ngự sử đứng đầu.

Ngoài Lục Bộ, triều đình còn có các cơ quan như Viện Hàn lâm, Viện ngự sử, Viện thái y, Viện Sùng chính, Quốc sử quán…

Hàn lâm viện Trực học sĩ được thành lập, sử dụng nhiều văn quan cũ của nhà Lê trung hưng như Ngô Vi Quỹ, Đoàn Nguyễn Tuấn, Ninh Tốn, Nguyễn Thế Lịch... Đến năm 1792, Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch được sung Hàn lâm viện Trực học sĩ. Các Phiên (tương đương với Bộ) do chúa Trịnh đặt ra cũng được phục hồi, do các quan văn đảm nhiệm.[1]